Thursday, May 24, 2012

Tư Trị Thông Giám, Quyển 1, phần 3


Châu Liệt Vương năm thứ 7 (Nhâm Tí, 369 TCN)

1.                           Có nhật thực.

2.                           Châu Liệt Vương mất, em là Biển kế vị, tức Châu Hiển Vương.

3.                           Đại phu nước Ngụy là Vương Thác trốn sang Hàn. Công-tôn Kỳ bảo Hàn Ý Hầu rằng:
   - Ngụy đang loạn, có thể chiếm được.
   Ý Hầu bèn cùng Triệu Thành Hầu hợp quân đánh Ngụy; giao chiến ở Trọc trạch, đại phá quân Ngụy, rồi bao vây kinh đô nước Ngụy. Triệu Thành Hầu nói:
   - Hãy giết Oanh và lập Công trọng Hoãn, cắt đất rồi lui quân, thì cả hai nước ta đều có lợi.
   Ý Hầu nói:
   - Không thể được. Giết vua Ngụy là tàn bạo; cắt đất rồi mới lui quân là tham. Không bằng cắt Ngụy làm hai. Ngụy bị cắt đôi thì không mạnh bằng Tống, Vệ, ắt bọn ta trọn đời không còn phải lo đến Ngụy.
   Vua Triệu không nghe. Ý Hầu bất bình, bèn đến đêm dẫn quân bỏ đi. Triệu Thành Hầu cũng rút về. Oanh rồi giết Công trọng Hoãn mà lên ngôi, tức Ngụy Huệ Vương.

Thái Sử Công nói: Ngụy Huệ Vương sở dĩ thân không mất, nước không bị chia cắt, là vì hai nước kia mưu sự bất hòa. Nếu làm theo kế của một trong hai nước thì Ngụy đã bị phân chia. Nên mới nói: “Vua mất mà chưa lập con đích, nước có thể bị phá.”

Tư Trị Thông Giám, Quyển 1, phần 2


Châu An Vương năm thứ 11 (Canh Dần, 391 TCN)

1.                           Tần đánh đất Nghi dương[1] của Hàn, chiếm mất 6 ấp.

2.                           Trước đây Điền Hằng sinh ra Tương Tử Bàn, Bàn sinh ra Trang Tử Bạch, Bạch sinh ra Thái Công Hòa. Vào năm này, Điền Hòa dời Tề Khang Công đến nơi ven biển, cho ăn lộc một thành để thờ cúng tổ tiên.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 12 (Tân Mão, 390 TCN)

1.                           Tần, Tấn đánh nhau ở Võ thành[2].

2.                           Tề đánh Ngụy, chiếm Tương lăng[3].

3.                           Lỗ đánh bại quân Tề ở Bình lục[4].

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 13 (Nhâm Thìn, 389 TCN)

1.                           Tần xâm lấn Tấn.

2.                           Điền Hòa nước Tề họp với Ngụy Văn Hầu cùng vua Sở và vua Vệ ở Trọc trạch[5], mong được làm chư hầu. Ngụy Văn Hầu thay Hòa xin với vua Châu và các nước chư hầu, Châu An Vương chấp thuận.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 15 (Giáp Ngọ, 387 TCN)

1.                           Tần đánh Thục, chiếm Nam trịnh[6].

2.                           Ngụy Văn Hầu mất, Thái tử Kích kế vị, là Ngụy Võ Hầu.

Võ Hầu xuôi giòng Tây hà[7] xuống hạ lưu, giữa giòng ngoái bảo Ngô Khởi:
   - Đẹp thay núi sông vững chắc, đó là bảo vật của nước Ngụy ta!
   Khởi đáp:
   - Giữ nước cốt ở đức chứ không ở hiểm. Xưa kia họ Tam miêu bên trái có hồ Động đình, phải có hồ Bành lễ; đức nghĩa không tu chỉnh nên bị Hạ Vũ diệt. Nơi Hạ Kiệt ở, bên trái có sông Hà, sông Tế, bên phải có núi Thái hoa, thêm núi Y khuyết ở mặt nam, đèo Dương tràng ở mặt bắc; cầm quyền bất nhân nên bị Thành Thang đuổi đi. Nước của Thương Trụ bên trái có cửa Mạnh môn, bên phải có núi Thái hàng, Thường sơn ở mặt bắc, sông Đại hà chắn ngang mặt nam; cầm quyền bất đức, vị Võ Vương giết đi. Qua đó mà xét, giữ nước cốt ở đức chứ không ở địa thế hiểm trở. Nếu nhà vua không tu chỉnh đức, ngay cả những người trong thuyền này cũng đều là kẻ địch!
   Võ Hầu nói:
   - Phải.

Ngụy lập Tướng quốc, chọn Điền Văn. Ngô Khởi không vui, hỏi Điền Văn:
   - Xin luận công với ông được không?
   Điền Văn đáp:
   - Được.
   Khởi hỏi:
   - Cầm đầu ba quân, khiến sĩ tốt vui lòng mà chết, nước địch không dám mưu đồ, ông có bằng Khởi không?
   Văn đáp:
   - Không bằng ông.
   Khởi hỏi:
   - Cai quản trăm quan, thân ái với vạn dân, làm kho đụn đầy đủ, ông có bằng Khởi không?
   Văn đáp:
   - Không bằng ông.
   Khởi nói:
   - Giữ cõi Tây hà, khiến quân Tần không dám tiến ra phía đông, Hàn và Triệu phục tùng, ông có bằng Khởi không?
   Văn đáp:
   - Không bằng ông.
   Khởi nói:
   - Cả ba điều ấy ông đều kém tôi, mà địa vị của ông lại trên tôi là thế nào?
   Văn nói:
   - Quốc chủ còn trẻ nên trong nước còn nghi ngại, đại thần chưa nương theo, bách tính chưa tin tưởng, như là lúc này đây, thì nên phó thác cho ông hay cho tôi?
   Khởi im lặng hồi lâu rồi nói:
   - Đúng là phải phó thác cho ông vậy!

Lâu sau, Tướng quốc của Ngụy là Công Thúc, vốn lấy vợ là Công chúa, muốn hãm hại Ngô Khởi. Người đầy tớ của Công Thúc nói:
   - Đuổi Khởi cũng dễ thôi. Khởi là người ngang tàng tự đắc. Ông hãy nói trước với nhà vua rằng: ‘Ngô Khởi là người hiền, mà nước của nhà vua thì nhỏ, thần sợ Khởi không có lòng muốn ở lại. Nhà vua sao không thử dạm gả con gái, Khởi nếu không có lòng muốn ở lại ắt sẽ từ chối.’ Ông rồi tiện dịp mời Khởi đến nhà và làm cho Công chúa xỉ nhục ông, Khởi thấy Công chúa khinh bỉ ông, ắt sẽ từ chối hôn thú, thế là trúng phải kế của ông.
   Công Thúc làm theo, Ngô Khởi quả nhiên từ chối không lấy Công chúa. Ngụy Vũ Hầu sinh nghi, không còn tin tưởng; Khởi sợ bị giết, bèn chạy sang Sở.

Sở Điệu Vương vốn nghe tiếng về tài năng của Khởi, Khởi đến liền được bổ làm Tướng quốc. Khởi minh tu luật pháp, chọn lọc điều lệnh, phế bỏ những chức quan không cần thiết, cắt đứt những họ hàng quá xa với nhà vua, dùng tiền của nuôi dưỡng các chiến sĩ can trường, cốt làm cho quân đội hùng mạnh, đánh đổ bọn du sĩ rao giảng Hợp tung và Liên hoành. Sở thế là phía nam bình định Bách Việt, phía bắc đẩy lùi Tam Tấn, phía tây đánh Tần, chư hầu đều sợ sự hùng cường của Sở, nhưng quý thích và đại thần nước Sở lại có nhiều người oán Ngô Khởi.

3.                           Tần Huệ Công chết, con là Xuất Công kế vị.

4.                           Triệu Võ Hầu mất, người trong họ tái lập Thái tử Chương của Liệt Hầu, là Kính Hầu.

5.                           Hàn Liệt Hầu mất, con là Văn Hầu kế vị.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 17 (Bính Thân, 385 TCN)

1.                           Thứ trưởng[8] của Tần là Cải tôn Hiến Công lên ngôi ở Hà Tây, chống Tần Xuất Công; cuối cùng giết Tần Xuất Công cùng mẹ, vứt xác xuống vực[9].

2.                           Tề đánh Lỗ.

3.                           Hàn đánh Trịnh, chiếm Dương thành[10]; rồi đánh Tống, bắt giữ Tống Công.

4.                           Tề Thái Công mất, con là Hoàn Công Ngọ kế vị.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 19 (Mậu Tuất, 383 TCN)
1.                           Ngụy đánh bại quân Triệu ở Thố đài[11].

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 20 (Kỷ Hợi, 382 TCN)

1.                           Có nhật thực toàn phần.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 21 (Canh Tí, 381 TCN)

1.                           Sở Điệu Vương chết. Quý thích, đại thần khởi loạn, đánh Ngô Khởi; Khởi chạy đến núp đằng sau thi thể của nhà vua. Bọn người tấn công bắn chết Khởi, trúng cả vào thi thể vua Sở. Đến khi chôn cất đã hoàn tất, Túc Vương lên ngôi, sai Lệnh doãn[12] tận diệt những người làm loạn; bị kết tội diệt tộc đến hơn 70 gia đình.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 22 (Tân Sửu, 380 TCN)

1.                           Tề đánh Yên, chiếm Tang khâu. Ngụy, Hàn, và Triệu đánh Tề, tiến đến Tang khâu[13].

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 23 (Nhâm Dần, 379 TCN)

1.                           Triệu đánh Vệ, nhưng không hạ được.

2.                           Tề Khang Công chết, không con cái; họ Điền thế là chiếm hữu tất cả nước Tề.

3.                           Cũng năm này, Tề Hoàn Công[14] chết, con là Uy Vương Nhân Tề kế vị.

~o0o~

Chân An Vương năm thứ 24 (Quý Mão, 378 TCN)

1.                           Địch đánh bại quân Ngụy ở đất Quái[15].

2.                           Ngụy, Hàn, Triệu đánh Tề, tiến đến Linh khâu[16].

3.                           Tấn Hiếu Công chết, con là Tĩnh Công Câu Tửu kế vị.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 25 (Giáp Thìn, 377 TCN)

1.                           Thục đánh Sở, chiếm Tư phương[17].

2.                           Tử Tư[18] tiến cử Cẩu Biến với Vệ Hầu rằng:
   - Tài như ông ta có thể thống lĩnh năm trăm chiến xa[19].
   Vua Vệ nói:
   - Ta biết hắn có tài làm tướng; nhưng Biến từng làm lại, đi thu thuế mà ăn của dân mất hai quả trứng; nên không còn được dùng.
   Tử Tư nói:
   - Thánh nhân xét người, cũng tựa như thợ mộc dùng gỗ vậy. Giữ phần tốt, bỏ phần xấu. Thế nên cây tử liên chu vi rộng hàng ôm tay dẫu có mục ruỗng mất vài thước, người thợ giỏi vẫn không vứt đi. Nay nhà vua đang ở thời chiến quốc, phải tuyển chọn kẻ sĩ làm nanh vuốt, lại vì hai quả trứng mà vứt đi một tướng can thành, điều này há nên để các lân bang biết được.
   Vua Vệ vái hai lạy và nói:
   - Xin kính cẩn thụ giáo.

Vệ Hầu bàn tính sai, mà các quần thần đồng âm hùa theo. Tử Tư nói:
   - Theo như ta xét, nước Vệ chính là thứ gọi là ‘vua không ra vua, tôi không ra tôi’.
   Công-khâu Ý Tử hỏi:
   - Sao lại như thế?
   Tử Tư nói:
   - Nhà vua tự cho là đúng thì chẳng ai có ý kiến gì thêm. Dù như có đúng chăng nữa, thì cũng phải do hơn được những ý kiến khác; huống chi phụ họa với sai trái, chẳng càng tệ hơn ư! Đã không biết xét việc đúng sai mà còn mừng vì mình được người tán tụng, hôm ám còn gì hơn! Đã không biết phán đoán lý lẽ được trình bày mà còn a dua để được bao dung, siểm nịnh còn gì hơn! Vua hôn ám với tôi siểm nịnh mà đặt trên bách tính, bách tính sẽ không theo. Nếu cứ mãi như thế, quốc gia vô loại!

Tử Tư nói với Vệ Hầu rằng:
   - Quốc sự nhà vua ngày càng sai trái!
   Vua Vệ hỏi:
   - Tại làm sao?
   Đáp rằng:
   - Đều có nguyên cớ cả. Nhà vua nói ra tự cho là phải, các Khanh Đại phu chẳng ai dám chỉ ra cái sai; các Khanh Đại phu nói ra tự cho là phải, các sĩ, thứ dân chẳng ai dám chỉ ra cái sai. Cả vua cả tôi đều tự cho mình là hay, mà hạ cấp đều đồng thanh khen hay; khen hay thì thuận ý được phúc lành, chỉ trích thì trái ý nên mang họa, như thế ai nấy chỉ cầu an để được sống! Kinh Thi có câu: ‘Cụ viết dư thánh, thùy tri ô chi thư hung?’ (Ai cũng là thánh, nhưng có ai phân biệt được quạ trống hay mái?)[20]. Đích thị là vua tôi nhà ngài!

3.                           Lỗ Mục Công mất, con là Cung Công Phấn kế vị.

4.                           Hàn Văn Hầu mất, con là Ai Hầu kế vị.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 26 (Ất Tị, 376 TCN)

1.                           Chân An Vương mất, con là Liệt Vương Hỉ kế vị.

2.                           Ngụy, Hàn, Triệu hợp nhau phế Tấn Tĩnh Công làm gia nhân và chia nhau phần đất còn lại của Tấn.

~o0o~

Châu Liệt Vương năm thứ 1 (Bính Ngọ, 375 TCN)

1.                           Có nhật thực.

2.                           Hàn diệt Trịnh, nhân đấy dời đô đến Trịnh[21].

3.                           Triệu Kính Hầu mất, con là Thành Hầu Chủng kế vị.

~o0o~

Châu Liệt Vương năm thứ 3 (Mậu Thân, 373 TCN)

1.                           Yên đánh bại quân Tề ở Lâm hồ.

2.                           Lỗ đánh Tề, kéo vào Dương quan[22].

3.                           Ngụy đánh Tề, tiến đến Bác lăng[23].

4.                           Yên Hi Công mất, con là Hoàn Công kế vị.

5.                           Tống Hưu Công mất, con là Ích Công kế vị[24].

6.                           Vệ Thận Công mất, con là Thanh Công Huấn kế vị.

~o0o~

Châu Liệt Vương năm thứ 4 (Kỷ Dậu, 372 TCN)

1.                           Triệu đánh Vệ, chiếm 73 ấp nhỏ.

2.                           Ngụy đánh bại quân Triệu ở Bắc Lận[25].

~o0o~

Châu Liệt Vương năm thứ 5 (Canh Tuất, 371 TCN)

1.                           Ngụy đánh Sở, chiếm Lỗ dương[26].

2.                           Nghiêm Toại giết Hàn Ai Hầu, người trong họ lập con của Ai Hầu là Ý Hầu kế vị. Trước đó, Ai Hầu dùng Hàn Hội làm Tướng quốc nhưng lại sủng ái Nghiêm Toại, hai người này chỉ muốn tiêu diệt nhau. Nghiêm Toại sai người tìm giết Hàn Hội trong triều, Hội chạy đến nơi Ai Hầu, Ai Hầu che chở cho y. Kẻ ấy đâm Hàn Hội, trúng cả Ai Hầu[27].

3.                           Ngụy Võ Hầu chết, chưa lập Thái tử, con là Oanh tranh ngôi với Công trọng Hoãn, trong nước bấn loạn.

~o0o~

Châu Liệt Vương năm thứ 6 (Tân Hợi, 370 TCN)

1.                           Tề Uy Vương vào triều kiến nhà Châu. Lúc bấy giờ nhà Châu nhỏ yếu, chư hầu không ai đến chầu, chỉ có mình Tề vào chầu, thiên hạ vì thế cho Uy Vương là hiền.

2.                           Triệu đánh Tề đến đất Quyên[28].

3.                           Ngụy đánh bại quân Triệu ở đất Hoài[29].

4.                           Tề Uy Vương gọi Đại phu thành Tức mặc[30] đến, nói với ông ta rằng:
   - Từ khi ông đến Tức mặc, mỗi ngày đều bị chê bai. Nhưng khi ta sai người đi thanh tra Tức mặc, thấy ruộng đồng được khai phá, nhân dân no đủ, quan lại vô sự, miền đông được yên ổn; hẳn là vì ông không cầu cạnh tả hữu của ta để được trợ giúp!
   Rồi phong cho ông ta ấp vạn hộ. Uy Vương lại gọi Đại phu thành Cử đến, nói với ông ta rằng:
   - Từ khi ông giữ đất A[31], mỗi ngày đều được khen ngợi. Ta sai người đến thanh tra A, ruộng đồng không được khai phá, nhân dân nghèo đói. Dạo trước khi Triệu xâm phạm đất Quyên, ông không đến cứu; Vệ chiếm Tiết lăng[32], ông cũng không hay; hẳn là vì ông hối lộ tả hữu của ta để cầu được khen!
   Ngay hôm ấy, cho nấu Đại phu đất A cùng những tả hữu đã từng khen ông ta. Thế là quần thần đều run sợ, không ai dám che đậy điều giả dối, làm việc tận tình; nước Tề nhờ đó thịnh trị, trở thành hùng mạnh trong thiên hạ.

5.                           Sở Túc Vương mất, không con, người em kế vị, tức Tuyên Vương.

6.                           Tống Ích Công mất, con là Dịch Thành kế vị[33].

~o0o~


[1] Nay là huyện Nghi dương, tỉnh Hà nam, vào đời Hán là huyện Nghi dương, quận Hoằng nông.
[2] Vào đời Tấn là xã Võ hương. Theo Quát địa chí, còn có tên là thành Võ bình, vào đời Đường thuộc huyện Trịnh, Hoa châu; nay thuộc huyện Hoa, tỉnh Thiểm tây.
[3] Theo Nhan Sử Cổ, Tương lăng là nơi chôn cất của Tống Tương Công nên mang tên đó. Vào đời Hán, thuộc huyện Tương ấp, quận Trần lưu, nay thuộc huyện Tuy, tỉnh Hà nam.
[4] Vào đời Hán là huyện Bình lục, quận Đông bình, nay thuộc huyện Đông bình, tỉnh Sơn đông.
[5] Trọc trạch: đầm Trọc. Nay thuộc thị trấn Tân trịnh, tỉnh Hà nam.
[6] Vào đời Hán là huyện Nam trịnh, quận Hán trung. Nay thuộc huyện Hán trung, tỉnh Thiểm tây.
[7] Hoàng hà.
[8] Tần lập tước vị: cấp đầu là Công sĩ, cấp 2 là Nhị Thượng tạo, cấp 3 là Trâm niểu, cấp 4 là Bất canh, cấp 5 là Đại phu, cấp 6 là Quan Đại phu, cấp 7 là Công Đại phu, cấp 8 là Công thừa, cấp 9 là Ngũ Đại phu, cấp 10 là Tả Thứ trưởng, cấp 11 là Hữu Thứ trưởng, cấp 12 là Tả canh, cấp 13 là Trung canh, cấp 14 là Hữu canh, cấp 15 là Thiếu Thượng tạo, cấp 16 là Đại Thượng tạo, cấp 17 là Tứ xa Thứ trưởng, cấp 18 là Đại Thứ trưởng, cấp 19 là Quan nội Hầu, cấp 20 là liệt hầu.
[9] Theo Sử Ký, Tần bản kỷ: Châu Uy Liệt Vương năm thứ 11, Tần Linh Công chết; con lớn là Sư Thấp không được lập mà lại lập người con út, tức là Tần Giản Công. Tần Xuất Công đây chính là cháu nội của Giản Công. Lúc này Thứ trưởng Cải đón Sư Thấp lập làm Hiến Công và giết Xuất Công.
[10] Huyện Dương thành, quận Dĩnh xuyên đời Hán, nay thuộc tỉnh Hà nam.
[11] Nay thuộc huyện Vĩnh niên, tỉnh Hà bắc.
[12] Lệnh doãn là chức Tướng quốc của Sở.
[13] Tang khâu này khác với Tang khâu Hàn, Ngụy chiếm của Sở. Theo Quát địa chí, vào đời Đường nơi này mang tên Kính thành, thuộc huyện Toại thành, Dịch châu, nay là Toại châu, Hà bắc.
[14] Họ Điền, trước đây là Điền Hoàn Công.
[15] Trước thời Chiến quốc, phần lớn tỉnh Sơn tây ngày nay, một phần tỉnh Hà bắc, Thiểm tây là nơi người Địch sinh sống. Bị các nước Hoa hạ lấn chiếm họ co cụm còn từng tụ và nước Trung sơn. Quái nay thuộc huyện Giáng, tỉnh Sơn tây.
[16] Vào đời Hán là huyện Linh, quận Thanh hà, nay thuộc tỉnh Hà bắc.
[17] Chiếu theo Sử ký: “Thục đánh Sở, chiếm Tư phương, Sở dựa vào Hãn quan để cự”. Như thế, Tư phương nằm phía tây Hãn quan. Hãn quan thuộc địa phận huyện Ngư phục, Ba quận đời Hán, nay thuộc tỉnh Tứ xuyên.
[18] Tử Tư là tên tự của Khổng Cấp, cháu nội Khổng Tử, học trò Tăng Sâm, là nho gia đời Chiến quốc, theo truyền thuyết cũng là tác giả sách “Trung dung”.
[19] Theo binh pháp đời cổ, mỗi cỗ chiến xa có ba giáp sĩ (đánh xe đứng giữa, cung thủ đứng bên trái, kích thủ đứng bên phải), kèm thêm 72 bộ binh hỗ trợ.
[20] Kinh Thi, Tiểu Nhã, Kỳ Phụ chi thập, Chính nguyệt. Nguyên bài: ‘Vị sơn cái ti, vi cương vi lăng. Dân chi ngoa ngôn, ninh mạc chi trừng. Thiệu bỉ cố lão, tấn chi chiêm mộng. Cụ viết dư thánh, thùy tri ô chi thư hùng.” Tạm dịch: “Nói là núi nhỏ, vì sườn, vì đỉnh. Dân cứ nói ngoa, khó không răn trừng. Mời hỏi phụ lão, tìm người đoán mộng. Ai cũng là thánh, nhưng có ai biết phân biệt quạ trống hay mái?” Theo Mao thị truyện: vua tôi đều tự cho là thánh, tổ tiên họ Trịnh nói: ‘Khi nào vua tôi giỏi dở đều như nhau, giống như quạ trống quạ mái đều tương tự, thì còn ai phân biệt được sự khác biệt?’
[21] Kinh đô của Hàn vốn ở Bình dương, sau đấy dời đến Dương địch, đến lúc này dời đến Tân trịnh, nay thuộc địa phận Trịnh châu, tỉnh Hà nam. Vì đóng đô ở Tân trịnh, Hàn Vương thỉnh thoảng còn được gọi là Trịnh Vương, tương tự Ngụy Vương thỉnh thoảng được gọi là Lương Vương sau khi dời đô đến Đại lương.
[22] Vào đời Hán thuộc huyện Cự bình, quận Thái sơn; nay thuộc tỉnh Sơn đông.
[23] Nay thuộc huyện An bình, tỉnh Hà bắc.
[24] Dựa theo Trúc Thư Kỷ Niên, vì 10 năm khác biệt về thời gian trị vì của Tống Điệu Công, sự kiện này xảy ra vào năm Châu Hiển Vương thứ 6 (363 TCN). Cũng căn cứ theo Trúc Thư Kỷ Niên, Hưu Công truyền ngôi cho Hoàn Công, tên là Ích Binh.
[25] Cũng là đất Lận, vì nằm ở phía tây bắc nước Triệu, nên Triệu gọi là Bắc Lận.
[26] Vào đời Hán là huyện Lỗ dương, quận Nam dương. Nay là huyện Lỗ sơn, tỉnh Hà nam.
[27] Theo Hàn Thế Gia và Lục Quốc Niên Biểu, Sử Ký: “Liệt Hầu năm thứ 3, Nhiếp Chính giết Hiệp Lũy” và “Hàn Nghiêm giết vua là Ai Hầu” là hai sự kiện riêng. Trúc Thư Kỷ Niên chép: “Hàn Sơn Kiên giết vua là Ai Hầu và lập Hàn Nhược Sơn”. Hàn Nhược Sơn là Hàn Ý Hầu, như vậy Hàn Sơn Kiên chính là Hàn Nghiêm, và cũng là Nghiêm Toại. Theo Chiến Quốc Sách, phần Hàn Sách, sự kiện này và sự kiện Nhiếp Chính giết Hiệp Lũy là cùng một sự kiện; theo Thích Khách Liệt Truyện, Sử Ký, Nhiếp Chính giết Hiệp Lũy cũng vào đời Hàn Ai Hầu. Như thế Thích Khách Liệt Truyện và Hàn Thế Gia, Lục Quốc Niên Biểu trái ngược nhau, song Thích Khách Liệt Truyện không hề chép Nhiếp Chính giết cả Hàn Ai Hầu. Việc một người lại có đến ba, bốn tên (Hàn Nghiêm, Hàn Sơn Kiên, Nghiêm Toại, Nghiêm Trọng Tử và Hàn Khôi, Hàn Hội, Hiệp Lũy) không khó giải thích, tại sao Sử Ký tự mâu thuẫn khó truy xét hơn. 
[28] Nay là huyện Quyên thành, tỉnh Sơn đông.
[29] Vào đời Hán là huyện Hoài, quận Hà nội. Nay thuộc tỉnh Hà nam.
[30] Vào đời Hán là huyện Tức mặc, quận Giao đông. Nay là Tức mặc, Sơn đông.
[31] Tức huyện Đông a, vào đời Hán thuộc Đông quận, nay thuộc tỉnh Hà nam.
[32] Đời xưa là nước Tiết, sau này là đất phong của cha con Mạnh thường Quân. Vào đời Hán là huyện Tiết, Lỗ quận, nay thuộc Đằng châu, tỉnh Sơn đông.
[33] Xem chú thích về Tống Điệu Công, dựa vào đó, sự kiên này xảy ra vào năm Châu Hiển Vương thứ 19 (350 TCN). Theo Trúc Thư Kỷ Niên, sự kiện này là “Dịch Thành phế vua, cướp ngôi.” (Tống Dịch Thành phế kỳ quân nhi tự lập).