Thursday, May 24, 2012

Tư Trị Thông Giám, quyển 1, phần 1


QUYỂN 1, CHÂU[1] KỶ 1 (năm 403-369 TCN)


Châu Uy Liệt Vương[2] năm thứ 23 (Mậu Dần, 403 TCN)

1.                           Nhà Châu bắt đầu nhận các Đại Phu nước Tấn[3] là Ngụy Tư, Triệu Tịch, Hàn Kiền làm chư hầu[4].

Thần Quang nói: Thần nghe chức trách của Thiên Tử không gì lớn bằng lễ, lễ không gì lớn bằng phận, phận không gì lớn bằng danh. Cái gì gọi là lễ? Chính là kỷ cương. Cái gì gọi là phận? Chính là vua và tôi. Cái gì gọi là danh? Chính là Công, Hầu, Khanh, Đại phu.

Phàm khi đã đem mênh mông bốn bể, ức triệu chúng dân đặt dưới quyền quản chế của một người thì ai dù sức khỏe tuyệt luân, mẫn tuệ hơn đời vẫn không thể không tất bật phụng sự, há chẳng nhờ lấy lễ làm kỷ cương ư? Thế nên Thiên tử chỉ đạo Tam công, Tam công suất lĩnh Chư hầu, Chư hầu chế ngự Khanh Đại phu, Khanh Đại phu cai trị sĩ thứ dân. Sang trị hèn, hèn tuân sang. Trên sai bảo dưới như lòng dạ vận động tay chân, gốc rễ cai quản lá cành; dưới thờ phụng trên như tay chân bảo vệ lòng dạ, lá cành che chở gốc rễ. Được thế mới có thể trên dưới giữ gìn cho nhau và nước nhà yên ổn. Thế nên nói rằng chức trách của Thiên tử không gì lớn bằng lễ.

Văn Vương soạn Kinh Dịch, đặt Càn và Khôn đứng đầu. Khổng Tử nghiệm rằng: “Thiên tôn địa ti, Càn Khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ.” (Trời cao đất thấp, Càn Khôn theo đó được xác định. Cao thấp đã liệt bày, sang hèn mới đâu vào đấy) Để nói rằng địa vị vua tôi như trời đất không thể thay đổi. Sách Xuân Thu hạ thấp chư hầu, đề cao vương thất. Danh dự nhà vua tuy ít, nhưng theo thứ tự vẫn xếp trên chư hầu, mới thấy rằng thánh nhân đối với thứ vị vua tôi chưa từng cẩu thả. Nếu không có sự bạo tàn của Kiệt, Trụ[5], tấm lòng nhân từ của Thang, Võ[6], được lòng người phụ theo, trời trao mệnh, thì phận vua tôi đang có cứ phải giữ cho trọn tiết đến chết mà thôi. Thế nên nếu lấy Vi Tử[7] thay Trụ Vương thì Thành Thang còn được phối hưởng với trời, lấy Quý Trát[8] làm vua nước Ngô thì Thái Bá vẫn còn hưởng cúng tế; nhưng hai người này thà mất nước mà không nhận, bởi họ chân thành cho rằng đại tiết của lễ không thể bị xáo trộn. Thế nên nói rằng lễ không gì lớn hơn phận.

Phàm lễ để phân biệt sang hèn, đặt thứ tự thân sơ, đánh giá vạn vật, quy định sự vụ; không danh vị thì không được hiển dương, không biểu vật thì không có hình tượng; lấy danh vị để truyền mệnh, lấy biểu vật để phân biệt đẳng cấp xã hội, sau đó mới rõ ràng trên dưới có luân thường, đó mạch máu chính của lễ. Danh vị và biểu vật mà đã mất đi, thì lễ làm sao được tự tồn tại! Ngày xưa Trọng thúc Vu Hề có công với Vệ, từ chối phong ấp mà chỉ xin ‘phồn anh’[9], Khổng Tử cho rằng không bằng cấp thêm phong ấp. Riêng danh vị và biểu vật không thể đem cho người khác, vì là sở hữu riêng của người cai trị. Chính trị mà mất thì quốc gia sẽ nối theo. Vua Vệ để Khổng Tử lập nền chính trị, Khổng Tử muốn trước hết lập chính danh, cho rằng danh vị mà không chính đáng thì dân không nơi đặt tay chân[10]. Phồn anh là vật nhỏ mà Khổng Tử tiếc, chính danh là việc nhỏ mà Khổng Tử đặt trên hết, bởi danh vị và biểu vật một khi đã trở thành hỗn loạn thì trên dưới không còn gì để duy trì nhau. Phàm sự việc chưa từng không nảy sinh từ bé mới hóa ra to, thánh nhân lo nghĩ sâu xa nên cẩn trọng sửa trị từ khi vấn đề còn nhỏ, chúng nhân hiểu biết nông cạn, nên đợi đến khi vấn đề hóa to mới lo chữa chạy; trị khi còn nhỏ thì tốn ít sức mà công hiệu nhiều, cứu chữa khi đã tọa họa thì kiệt sức cũng chưa chắc đã kịp. Kinh Dịch có câu: ‘Lý sương kiên băng chí’ (đi trong sương giá biết sắp giá băng), Thượng Thư có câu: ‘Nhất nhật, nhị nhật, vạn kỷ’ (ngày một, ngày hai, vạn thứ nhắng nhít), là nói đại loại như thế. Thế nên nói rằng phận không gì lớn bằng danh.

Than ôi! U Lệ[11] thất đức, vận mệnh nhà Châu ngày một suy, kỷ cương đồi bại, dưới lật đổ trên, chư hầu chuyên quyền chinh phạt, Đại phu tự ý nắm chính sự, đại thể của lễ mười phần mất hết bảy, tám. Nhưng những người kế tự Văn, Võ vẫn đều đều nói nhau là nhờ con cháu nhà Châu vẫn còn tôn trọng bề trên và gìn giữ danh phận trước đó. Nói thế là sao? Xưa kia Tấn Văn Công lập công lớn với vương thất[12], xin với Tương Vương được đào đường hầm để chôn cất[13], Tương Vương không chấp thuận, nói: “Vương triều đã có hiến chương. Không có ân đức nào lớn đến mức được lập làm nhà vua thứ hai. Hẳn Thúc phụ cũng ngại điều đó. Bằng không, Thúc phụ đã có đất đào đường hầm, còn xin làm gì!” Văn Công sau đó sợ và không dám làm. Vì thế đất đai nhà Châu dù không lớn bằng Tào, Đằng, dân chúng nhà Châu dù không nhiều bằng Trâu, Cử[14], nhưng trải mấy trăm năm, tông tộc vẫn làm chủ thiên hạ, dù mạnh như Tấn, Sở, Tề, Tần vẫn không dám đòi hơn, vì sao? Chỉ nhờ có danh phận vẫn còn từ trước. Đến như họ Quý đối với Lỗ[15], Điền Thường đối với Tề[16], Bạch Công đối với Sở[17], Trí Bá đối với Tấn[18], cái thể đủ để đuổi vua cướp ngôi, nhưng rốt cuộc vẫn không dám, há vì sức họ không đủ hay lòng họ bất nhẫn, mà sợ tiếm danh chiếm phận rồi sẽ bị thiên hạ hợp nhau diệt trừ. Đến đây, các Đại phu nước Tấn khi miệt vua mình, chia nhau nước Tấn[19], Thiên tử đã không thể thảo phạt, lại còn tôn thưởng ngôi cao, cho liệt vào hàng chư hầu, là vỏn vẹn còn chút danh phận lại không biết giữ mà vứt hết đi. Lễ của các tiên vương nhà Châu đến đây là dứt.

Có người cho rằng vào lúc đương thời, nhà Châu nhỏ yếu, Tam Tấn cường thịnh, có muốn không cho cũng đâu thể được! Là càng không phải. Tam Tấn tuy mạnh, nếu bừa bãi không lo bị thiên hạ tru diệt mà phạm nghĩa xâm lễ, thì đã không thỉnh cầu Thiên tử mà tự lập. Không thỉnh cầu Thiên tử mà tự lập, thì làm bề tôi phản nghịch, thiên hạ nếu còn người như Hoàn, Văn[20] ắt sẽ phụng lễ nghĩa mà chinh phạt. Nay thỉnh cầu Thiên tử mà Thiên tử chấp thuận, là nhận mệnh Thiên tử để làm chư hầu, còn ai đến đánh được! Thế nên việc Tam Tấn được liệt làm chư hầu chẳng phải do Tam Tấn phá lễ, mà Thiên tử đã tự hủy hoại đi vậy.

Than ôi! Lễ quân thần một khi đã hỏng nát thì thiên hạ đem trí sức ra tranh hùng, khiến bao chư hầu là con cháu thánh hiền, xã tắc không khỏi bị diệt vong, lê dân bị băm vằm bằng hết, há không đau xót lắm ư!

2.                           Trước đây, Trí[21] Tuyên Tử sắp chọn Dao kế vị, Trí Quả nói:
   - Dao không bằng Tiêu. Dao tốt[22] hơn người có năm điều, kém người một điều. Tóc đã đẹp lại dài và dày là tốt, có sức cưỡi xe bắn cung là tốt, bản lĩnh tài năng đầy đủ là tốt, lời hay giỏi biện luận là tốt, cứng cỏi dũng cảm là tốt; thế nhưng lại quá bất nhân. Đã lấy 5 cái tốt chèn ép người khác mà còn hành xử bất nhân, thì còn ai ở chung được với hắn? Nếu quả quyết lập Dao, họ Trí ắt sẽ bị diệt[23].
   Tuyên Tử không nghe. Trí Quá đến xin quan Thái sử cho lập ngành họ khác, đổi sang họ Phụ[24].

Con trai của Triệu Giản Tử[25] có người lớn là Bá Lỗ, nhỏ là Vô Tuất. Giản Tử muốn đặt người kế vị, không biết chọn ai, bèn viết những lời giáo huấn lên 2 cuộn tre
[26], trao cho hai con và dặn rằng:
   - Hãy cẩn thận ghi nhớ lấy!
   Ba năm sau mới hỏi đến, Bá Lỗ không đọc được lời nào, hỏi đến sách thì đã đánh mất. Hỏi đến Vô Tuất, Vô Tuất đọc lại rất lưu loát; hỏi đến sách, Vô Tuất rút từ trong tay áo dâng lên. Sau đó Giản Tử cho Vô Tuất là hiền năng[27] nên lập làm người kế vị.

Giản Tử sai Doãn Đạc đến cai trị Tấn dương[28], Đạc xin chỉ thị, hỏi:
   - Ngài muốn dùng thần để bòn rút hay để bảo hộ dân ở đấy?
   Giản Tử đáp:
   - Bảo hộ!
   Doãn Đạc bèn cho chẻ sổ hộ bạ[29] của Tấn dương. Giản Tử bảo Vô Tuất rằng:
   - Nước Tấn nếu sinh tai họa đừng vì Doãn Đạc ít cung ứng hay Tấn dương xa xôi, nhất định lấy đó làm nơi quay về.

Đến khi Trí Tuyên Tử chết, Trí Tương Tử lên nắm quyền chính nước Tấn, cùng Hàn Khang Tử[30] và Ngụy Hoàn Tử[31] ăn yến ở Lam đài. Trí Bá đánh lừa Khang Tử để làm trò và nhục mạ Đoàn Quy[32]. Trí Quốc biết được, can rằng:
   - Chủ nhân mà không ngừa tai họa, tai họa ắt đến!
   Trí Bá nói:
   - Họa tai do ta mà ra. Ta không gây họa, còn có ai dám?
   Quốc đáp:
   - Không đúng thế. Hạ Thư có câu: ‘Nhất nhân tam thất, oán khởi tại minh, bất kiến thị đồ’ (Ba lần lầm lỗi với một người, thù oán đã rành rành, nếu không lộ ra là đang mưu tính trong lòng). Người quân tử phải cẩn trọng với tiểu tiết để tránh gây nên họa lớn. Nay chủ nhân trong một bữa yến sỉ nhục cả vua cả Tướng quốc nhà người, lại không đề phòng, cho rằng họ ‘không dám gây họa’, lại càng không được! Đến loài kiến, ong, bọ, rết đều có thể hại người, huống chi vua và Tướng quốc một nước!
   Trí Bá không nghe.

Trí Bá xin đất của Hàn Khang Tử, Khang Tử muốn không cho. Đoàn Quy nói:
   - Trí Bá hám lợi lại ương gàn, nếu không cho hắn sẽ đánh ta; không bằng cứ cho. Chúng quen được đất, nhất định sẽ xin của người khác; người khác không cho ắt sẽ dẫn tới đánh nhau; làm thế là ta vừa tránh được họa vừa ngồi đợi tình hình thay đổi.
   Khang Tử nói:
   - Phải.
   Rồi sai sứ giả đem ấp vạn hộ dâng cho Trí Bá. Trí Bá đẹp lòng. Bèn lại đòi đất của Ngụy Hoàn Tử, Hoàn Tử muốn không cho. Nhậm Chương hỏi:
   - Sao lại không cho?
   Hoàn Tử nói:
   - Vô cớ mà đòi đất nên không cho.
   Nhậm Chương nói:
   - Vô cớ đòi đất, các Đại phu ắt ngán sợ hắn; ta mà cho hắn đất, Trí Bá ắt sinh kiêu. Chúng đã kiêu còn khinh địch, ta nể sợ mà được thân cận; lấy quân ở sát một bên rình kẻ khinh địch, vận mệnh họ Trí hẳn không còn dài vậy. Châu Thư nói: ‘Tướng dục bại chi, tất cô phụ chi. tướng dục thủ chi, tất cô dữ chi’ (Muốn đánh bại ai, cứ tạm thời giúp hắn. Muốn chiếm của ai, cứ tạm thời nhường hắn). Chủ nhân không bằng cứ làm Trí Bá kiêu căng, sau đó có thể tìm người kết giao mưu đồ diệt họ Trí; cớ gì phải một mình làm cái đích ngắm cho họ Trí!
   Hoàn Tử nói:
   - Phải.
   Và cắt cho Trí Bá một ấp vạn hộ.

Trí Bá lại xin đất Lận và Cao lang[33] của Triệu Tương Tử, Tương Tử không cho. Trí Bá nổi giận, dẫn theo cả quân giáp sĩ của Hàn và Ngụy để cùng đánh Triệu. Tương Tử sắp chạy, hỏi:
   - Ta nên đến đâu?
   Người tùy tùng nói:
   - Trường tử[34] gần đây, tường thành cao lớn lại vừa đắp xong.
   Tương Tử nói:
   - Dân chúng đã kiệt lực để đắp thành cho hoàn tất; nếu còn phải liều chết mà giữ, có ai chịu theo ta!
   Người tùy tùng lại nói:
   - Hàm đan[35] có kho đụn đầy đủ.
   Tương Tử nói:
   - Dân ở đấy đã quen ăn uống no đủ, nếu lại sai đi chém giết, có ai chịu theo ta! Hãy đến Tấn dương như Tiên chủ đã căn dặn. Doãn Đạc vốn khoan dung, dân ắt sẽ một lòng với ta.
   Bèn chạy đến Tấn dương.

Quân đội ba nhà đắp cừ để nhấn chìm thành Tấn dương, trong thành nơi chưa ngập nước chỉ còn 3 bản[36]; nồi niu chìm nghỉm dưới nước ếch nhái sinh sôi trong ấy, song dân chúng vẫn không sinh ý làm phản. Trí Bá đi tuần hành xem thế nước, Ngụy Hoàn Tử đánh xe, Hàn Khang Tử tham thừa[37]. Trí Bá nói:
   - Ta đến nay mới biết được rằng nước có thể làm mất nước người.
   Hoàn Tử thúc vào người Khang Tử, Khang Tử dẫm lên chân Hoàn Tử, là vì nước sông Phần có thể dùng để nhấn chìm An ấp[38], nước sông Giáng có thể dùng để nhấn chìm Bình dương[39]. Hi Tỳ bảo Trí Bá rằng:
   - Hàn và Ngụy nhất định sẽ làm phản.
   Trí Bá hỏi:
   - Ngươi cớ sao biết được?
   Hi Tỳ đáp:
   - Theo lẽ đời thì biết. Quân đội Hàn, Ngụy theo ngài đánh Triệu; Triệu mất, thì họa ắt đến với Hàn, Ngụy. Nay đã giao ước khi nào Triệu mất sẽ chia ba đất Triệu. Trong thành phần chưa ngập nước chỉ còn 3 bản, người ngựa đã phải ăn thịt nhau, đầu hàng đã có ngày, hai người ấy chẳng hề vui mừng mà có vẻ lo âu, chẳng phản thì còn gì?
   Hôm sau, Trí Bá đem lời của Hi Tỳ thuật với hai người kia, hai người nói:
   - Thằng ấy phải dèm pha người khác vì muốn du thuyết cho Triệu đấy; khiến Chủ nhân nghi ngờ hai nhà chúng tôi mà thôi đánh họ Triệu. Nếu không thế, hai nhà chúng tôi há không mong cái lợi được chia đất họ Triệu chỉ trong sớm mai hay sao mà muốn làm cái chuyện tày đình hiểm nguy không thể thành công kia!
   Hai người đi ra, Hi Tỳ bước vào hỏi:
   - Chủ nhân sao lại đem lời của thần nói lại với hai người ấy?
   Trí Bá hỏi:
   - Ngươi làm sao mà biết được?
   Đáp:
   - Thần thấy họ nhìn thần chỉnh tề và bước đi rất nhanh[40], hẳn vì thần biết rõ tâm địa của họ.
   Trí Bá vẫn không đổi ý. Hi Tỳ xin đi sứ sang Tề.

Triệu Tương Tử sai Trương Mạnh Đàm ngầm thoát ra ngoài, tìm gặp Hàn và Ngụy, nói:
   - Thần nghe môi mất thì răng lạnh. Nay Trí Bá dẫn Hàn và Ngụy đánh Triệu, Triệu mất thì Hàn và Ngụy kế đến.
   Hai người nói:
   - Lòng ta vẫn biết là như thế. Chỉ sợ sự việc không thành mà mưu sự tiết lộ, thì chỉ gây nên họa.
   Trương Mạnh Đàm nói:
   - Lời bàn tính từ miệng hai Chủ nhân vào tai thần, còn sợ cái gì?
   Hai người bèn ngầm cùng Trương Mạnh Đàm lập ước ngay hôm ấy rồi sai quay về. Tương Tử đến đêm phái người đến giết viên lại giữ cừ, và khơi nước nhận chìm cánh quân của Trí Bá. Binh sĩ họ Trí hoảng loạn lo cứu lụt, Hàn và Ngụy chia làm hai cánh kéo đến đánh; Triệu Tương Tử dẫn quân xông vào mặt trước, đánh quân Trí Bá đại bại, thế rồi giết Trí Bá, diệt sạch tông tộc họ Trí[41]. Chỉ có Phụ Quả sống sót.

Thần Quang nói: Trí Bá mất là vì tài cao hơn đức. Tài và đức khác nhau, nhưng thế tục không thể phân biệt, đều cho là hiền[42], do đó nhầm lẫn về con người. Thông minh, quả đoán, gan lì, kiên quyết gọi là tài, chính trực, dung hòa là gọi là đức. Tài là gia sản của đức; đức là chỉ đạo của tài. Trúc đầm Vân mộng[43] là loại cứng của thiên hạ; nhưng nếu không được uốn nắn, không đính lông chim vào, thì chẳng thể bắn xuyên giáp dày. Sắt Đường khê[44] là loại tinh của thiên hạ; nhưng nếu không được luyện đúc, không mài dủa, thì chẳng thể chém được gì cứng. Thế nên ai tài đức đều toàn vẹn được gọi là thánh nhân, tài đức đều mất gọi là ngu nhân; đức cao hơn tài được gọi là quân tử, tài cao hơn đức gọi là tiểu nhân. Phàm cái thuật chọn người, nếu như không có được thánh nhân và quân tử để phó thác, giao phó cho tiểu nhân lại không bằng giao phó cho ngu nhân. Vì sao? Quân tử dùng tài làm điều thiện, tiểu nhân dùng tài làm điều ác. Lấy tài làm điều thiện thì ở đâu cũng thiện; lấy tài làm điều ác thì ở đâu cũng ác. Người ngu tuy muốn làm điều bất thiện, nhưng trí không đủ lo cho chu toàn, sức chẳng hơn được ai, tỉ như chó con vồ người, người còn chế ngự được. Tiểu nhân trí đủ để thỏa mưu gian, dũng đủ để quyết lòng bạo, là như hổ chấp cánh, gây nên tai hại há không nhiều! Người có đức hay nghiêm ngặt, người có tài hay thân ái; thân ái thì dễ thân cận, nghiêm ngặt thì dễ xa cách, thế nên người suy xét đa phần che chở cho tài mà quên đi đức. Từ cổ xưa đến nay, những loạn thần của nước, những con cái tàn phá cơ nghiệp, tài thì dư mà đức không đủ, làm cho đến mức điên đảo kể cũng nhiều há chỉ riêng có Trí Bá! Thế nên ai vì nước vì nhà nếu như giỏi cách thẩm xét tài đức, biết phân biệt cái nào trước cái nào sau, dù có sai lầm về con người cũng đâu gây nên họa!

3.                           Ba nhà chia nhau đất của họ Trí. Triệu Tương Tử sơn đầu lâu Trí Bá dùng làm đồ uống rượu. Bề tôi của Trí Bá là Dự Nhượng muốn báo thù cho chủ, bèn trá hình đổi dạng, kẹp chủy thủ[45] trong mình, lẻn vào nhà xí trong cung Tương Tử. Tương Tử đi nhà xí mà trong lòng manh động, bèn cho khám xét, bắt được Dự Nhượng. Tả hữu muốn giết đi, Tương Tử nói:
   - Trí Bá chết không còn con cháu, mà người ấy muốn vì hắn báo thù, thật là nghĩa sĩ vậy, ta cứ cẩn thận tránh hắn là xong.
   Bèn thả cho đi. Dự Nhượng lại sơn người làm hủi, nuốt than làm câm, đi ăn xin ở chợ, đến vợ cũng không nhận ra. Đến khi gặp người bạn, người bạn nhận ra, òa lên khóc và nói rằng:
   - Lấy cái tài của ngươi làm bề tôi thờ Triệu Mạnh[46], nhất định sẽ được thân sủng. Lúc ấy ngươi rồi thì muốn làm gì thì làm, chẳng phải dễ dàng hay sao? Tại sao lại tự làm khổ mình như thế? Mong báo được thù chẳng khó hơn hay sao!
   Dự Nhượng nói:
   - Đã làm bề tôi thân tín mà lại tìm cách giết chủ, là ăn ở hai lòng. Điều ta muốn làm là rất khó. Nhưng sở dĩ làm như thế là để hậu thế sau này, những bề tôi ăn ở hai lòng trong thiên hạ phải hổ thẹn.
   Tương Tử ra ngoài, Dự Nhượng phục kích chờ dưới gầm cầu. Tương Tử đi đến cầu, ngựa chợt sợ hãi; Tương Tử cho khám xét, bắt được Dự Nhượng, bèn giết đi.

Triệu Tương Tử vì Bá Lỗ không được lập, nên dù có năm con trai vẫn không chịu chọn người kế vị. Bèn phong cho con của Bá Lỗ ở đất Đại[47], gọi là Đại Thành Quân, nhưng người này mất sớm; thế rồi lập con của Đại Thành Quân là Hoán nối dòng họ Triệu. Tương Tử chết, em Tương Tử là Triệu Hoàn Tử đuổi Hoán giành ngôi; được một năm thì chết. Người trong họ Triệu nói:
   - Hoàn Tử lên ngôi vốn không phải chủ ý của Chúa công Tương Tử.
   Bèn hợp nhau giết hết con cái của Hoàn Tử, và cho đón Hoán trở về tôn lên ngôi, tức Hiến Tử. Hiến Tử sinh ra Triệu Tịch, tức Triệu Liệt Hầu. Ngụy Tư là cháu nội Ngụy Hoàn Tử, chính là Văn Hầu. Hàn Khang Tử sinh ra Võ Tử; Võ Tử sinh ra Kiền, tức Hàn Cảnh Hầu.

Ngụy Văn Hầu lấy Bặc Tử Hạ[48] và Điền Tử Phương làm thầy. Mỗi lần đi ngang lều của Đoàn-kiền Mộc đều vịn dàm xe làm lễ[49]. Hiền sĩ bốn phương nhiều người theo đến.

Văn Hầu đang cùng quần thần uống rượu, nghe nhạc, mà trời thì mưa, lại ra lệnh gióng ngựa vào xe sắp đi đâu. Tả hữu hỏi:
   - Hôm nay uống rượu đang vui, trời lại mưa, đức ngài định làm gì thế?
   Văn Hầu nói:
   - Ta có hẹn với người coi rừng
[50] để đi săn. Tuy đang vui, há có thể sai một cái hẹn ư!
   Bèn đến nơi ấy, rồi cũng tự mình ban bố bãi cuộc săn.

Hàn xin mượn quân của Ngụy để đánh Triệu, Văn Hầu nói:
   - Quả nhân với Triệu như anh em, không dám tuân mệnh.
   Triệu xin mượn quân của Ngụy để đánh Hàn, Văn Hầu cũng đáp như thế. Hai nước đều nổi giận ra về. Ít lâu sau biết được Văn Hầu đã vì mình hòa giải, nên đều triều thuận Ngụy. Ngụy bắt đầu đứng đầu Tam Tấn, chư hầu không ai tranh được với Ngụy.

Ngụy Văn Hầu sai Nhạc Dương đánh Trung sơn[51], chiếm được; bèn lấy Trung sơn phong cho con mình là Tử Kích. Văn Hầu hỏi quần thần rằng:
   - Ta là quốc chủ như thế nào?
   Mọi người đều đáp:
   - Nhân quân.
   Nhậm Tọa nói:
   - Đức ngài chiếm được Trung sơn, không lấy phong cho em mình làm chủ mà phong cho con, sao lại gọi là nhân quân!
   Văn Hầu nổi giận, Nhậm Tọa vội lui ra ngoài. Kế đến hỏi Địch Hoàng, đáp rằng:
   - Nhân quân.
   Văn Hầu nói:
   - Lấy gì mà biết?
   Đáp rằng:
   - Thần nghe vua mà nhân từ thì bề tôi ngay thẳng. Mới đây có lời nói thẳng của Nhậm Tọa, thần theo đó mà biết.
   Văn Hầu đẹp dạ, sai Địch Hoàng gọi Nhậm Tọa quay vào, đích thân bước xuống bệ đón tiếp, đãi làm thượng khách.

Văn Hầu cùng Điền Tử Phương uống rượu, Văn Hầu nói:
   - Tiếng chuông không đều có phải không? Bên trái tiếng cao hơn[52].
   Điều Tử Phương cười. Văn Hầu hỏi:
   - Cớ sao cười?
   Tử Phương rằng:
   - Thần được nghe, nhà vua nên giỏi chọn Nhạc quan, không phải tường tận nhạc. Nay đức ngài xét đến âm nhạc, thần sợ ngài ‘điếc’ về chọn quan.
   Văn Hầu nói:
   - Phải.

Tử Kích ra ngoài, gặp Điền Tử Phương trên đường, bèn xuống xe phục mình yết kiến. Tử Phương không đáp lễ. Tử Kích tức giận, hỏi Tử Phương:
   - Bực quý nhân mới đáng lên mặt, hay ai bần tiện mới nên kiêu ngạo với người?
   Tử Phương đáp:
   - Người bần tiện mới nên kiêu ngạo, còn quý nhân sao dám kiêu! Làm vua mà kiêu thì mất nước, Đại phu mà kiêu thì mất cơ nghiệp. Chưa từng nghe ai mất nước mà vẫn cư xử như hãy còn nước, cũng chưa từng nghe ai mất cơ nghiệp mà vẫn cư xử như hãy còn cơ nghiệp. Còn kẻ sĩ nghèo hèn nếu lời nói không được nghe, hành vi không hợp ý, thì cứ xỏ dép mà đi. An nhiên tự tại há ai được như bần tiện ư!
   Tử Kích bèn bái tạ.

Văn Hầu nói với Lý Khắc:
   - Tiên sinh có nói: ‘Gia bần tư lương thê, quốc loạn tư lương Tướng’ (Nhà nghèo làm người vợ hiền lo lắng, nước loạn làm Tướng quốc giỏi lo lắng). Nay chọn Tướng quốc nếu không phải Ngụy Thành[53] thì là Địch Hoàng, hai người ấy thế nào?
   Đáp rằng:
   - Hèn không toan tính được cho sang, xa không toan tính được cho gần. Thần vốn ở ngoài cửa khuyết, không dám tuân mệnh.
   Văn Hầu nói:
   - Xin Tiên sinh cứ xét cho, chớ nhún nhường!
   Khắc nói:
   - Đức ngài sao không xét đến những việc đã qua. Khi ở nhà thì gần gũi với ai, khi giàu có thì chia xẻ cho ai, khi hiển đạt thì cất nhắc ai, khi khốn cùng thì có điều gì không làm, khi thiếu thốn thì có thứ gì không lấy; năm điều ấy đã đủ để xác định, cần gì đợi đến Khắc!
   Văn Hầu nói:
   - Xin Tiên sinh về nghỉ, ta đã xác định được Tướng quốc rồi.
   Lý Khắc bước ra, gặp Địch Hoàng. Địch Hoàng hỏi:
   - Mới nghe Chúa công triệu Tiên sinh đến để chọn Tướng quốc, kết quả là ai đã có chưa?
   Khắc nói:
   - Ngụy Thành.
   Địch Hoàng phẫn uất biến sắc nói:
   - Quận Thú Tây hà[54] Ngô Khởi là do thần tiến cử. Chúa công âu lo về đất Nghiệp, thần tiến cử Tây-môn Báo[55]. Chúa công muốn đánh Trung sơn, thần tiến cử Nhạc Dương. Trung sơn đã hạ được, chưa có người cai quản, thần tiến cử Tiên sinh. Con trai Chúa công chưa có sư phó, thần tiến cử Khuất Hầu Phụ. Dựa vào điều tai nghe mắt thấy, thần cớ sao lại kém Ngụy Thành!
   Lý Khắc nói:
   - Ngươi giới thiệu Khắc với chủ mình, có phải để giúp mình mưu cầu chức lớn không? Chúa công hỏi Khắc về việc Tướng quốc, Khắc đã đáp như thế. Sở dĩ biết chắc chúa công sẽ dùng Ngụy Thành làm Tướng quốc là vì: Ngụy Thành ăn lộc ngàn chung, chín phần mười dùng vào việc công, một phần mười để dùng trong nhà; lại còn tiếp đón được Bặc Tử Hạ, Điền Tử Phương, Đoàn-kiền Mộc. Ba người ấy chúa công đều tôn làm thầy; năm người do ngươi tiến cử chúa công đều dùng làm bề tôi. Ngươi sao so sánh được với Ngụy Thành!
   Địch Hoàng băn khoăn một lúc rồi vái hai lạy và nói:
   - Hoàng, kẻ hèn này, đã lỡ lời, nguyện trọn đời xin làm đệ tử!

Ngô Khởi là người nước Vệ, làm quan ở Lỗ. Tề đánh Lỗ, Lỗ muốn dùng Khởi làm tướng. Khởi có vợ người Tề, nên bị Lỗ nghi ngờ; Khởi bèn giết vợ để xin làm tướng, rồi đại phá quân Tề. Có người gièm với Lỗ Hầu rằng:
   - Khởi ban đầu vốn thờ Tăng Sâm[56], vì mẹ chết mà không bôn tang, nên bị Tăng Sâm tuyệt giao. Nay lại giết vợ để xin làm tướng cho ngài. Khởi là người quá tàn nhẫn bạc bẽo vậy! Vả lại Lỗ là nước cỏn con mà có tiếng thắng địch, thì chư hầu sẽ làm cỏ Lỗ đấy.
   Khởi sợ bị kết tội, nghe nói Ngụy Văn Hầu là hiền chủ, bèn tìm đến mà theo. Văn Hầu hỏi Lý Khắc về Khởi, Lý Khắc nói:
   - Khởi đã tham lại hiếu sắc; nhưng trong việc dùng binh, Tư-mã Nhương Tư[57] cũng không hơn được.
   Thế là Văn Hầu dùng Khởi làm tướng, sai đánh Tần, hạ được 5 thành.

Khởi khi làm tướng, ăn mặc như người lính cấp bực thấp nhất, nằm không trải chiếu, hành quân không cưỡi ngựa ngồi xe, đích thân mang vác lương thực dư thừa, cùng sĩ tốt đồng lao khổ. Quân sĩ có người bị nhọt độc, Khởi bèn hút mủ cho. Mẹ người lính nghe được mà khóc. Có người hỏi:
   - Con trai bà chỉ là lính mà được Tướng quân tự mình hút nhọt, tại sao lại khóc?
   Người mẹ nói:
   - Điều ấy ngược với tự nhiên. Năm ngoái Ngô Công hút mủ cho cha nó; cha nó chiến đấu không chùn bước, để rồi chết nơi đất địch. Ngô Công nay lại hút mủ cho con thiếp, thiếp không biết rồi nó sẽ chết ở đâu, cho nên khóc.

4.                           Yên[58] Mẫn Công mất, con là Hi Công kế vị.

~o0o~

Châu Uy Liệt Vương năm thứ 24 (Kỷ Mão, 402 TCN)

1.                           Uy Liệt Vương mất, con là An Vương Kiêu kế vị.
2.                           Giặc cướp giết chết Sở[59] Thanh Vương, người trong họ lập con của Thanh Vương là Điệu Vương kế vị.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 1 (Canh Thìn, 401 TCN)

1.                           Tần[60] đánh Ngụy, đến Dương cô[61].

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 2 (Tân Tỵ, 400 TCN)

1.                           Ngụy, Hàn, và Triệu đánh Sở, đến Tang khâu[62].

2.                           Trịnh[63] vây thành Dương địch[64] của Hàn.

3.                           Hàn Cảnh Hầu mất, con là Liệt Hầu Thủ kế vị.

4.                           Triệu Liệt Hầu mất, người trong họ lập em của Liệt Hầu là Võ Hầu lên ngôi.

5.                           Tần Giản Công mất, con là Huệ Công kế vị.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 3 (Nhâm Ngọ, 399 TCN)

1.                           Vương tử Định chạy sang Tấn.

2.                           Núi Quắc sơn[65] lở, làm nghẻn sông Hoàng hà.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 4 (Quý Mùi, 398 TCN)

1.                           Sở vây Trịnh. Người Trịnh giết Tướng quốc của mình là Tứ Tử Dương.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 5 (Giáp Thân, 397 TCN)

1.                           Có nhật thực.

2.                           Tháng 3, kẻ cướp giết Tướng quốc của Hàn là Hiệp Lũy. Hiệp Lũy có hiềm khích với người Bộc dương[66] là Nghiêm Trọng Tử[67]. Trọng Tử nghe tiếng gan dạ của người đất Chỉ là Nhiếp Chính, lấy trăm dật[68] vàng đi mừng thọ mẹ Chính, muốn mượn Chính báo thù. Chính không nhận, nói:
   - Mẹ già còn, thân Chính chưa dám đem hứa cho người!
   Đến khi mẹ Chính chết, Trọng Tử lại khiến Chính đâm Hiệp Lũy. Hiệp Lũy ngồi trên công đường, binh sĩ hộ vệ rất đông, Nhiếp Chính xông thẳng lên thềm đâm chết Hiệp Lũy, rồi tự rạch mặt, rứt mắt, mổ bụng cho lòi ruột. Hàn đem thây Chính phơi ở chợ, treo thưởng để điều tra nguồn gốc, nhưng không ai biết. Chị của Nhiếp Chính là Oanh nghe thấy tìm đến, khóc và nói:
   - Biết lo nghĩ sâu xa như thế hẳn là Nhiếp Chính rồi! Vì thiếp còn sống trên đời, hắn tự hủy hoại hình hài để tuyệt tung tích. Thiếp làm sao có thể tiếc bản thân bị giết mà hủy hoại danh tiếng của em mình!
   Bèn tự vẫn kế bên thây Nhiếp Chính.

~o0o~

Châu An Vương năm thứ 6 (Ất Dậu, 396 TCN)

1.                           Bè đảng của Tứ Tử Dương giết Trịnh Nhu Công và lập người em là Ất kế vị, tức là Trịnh Khang Công.

2.                           Tống[69] Điệu Công mất, con là Hưu Công Điền kế vị[70].

~o0o~

Chân An Vương năm thứ 8 (Đinh Hợi, 394 TCN)

1.                           Tề đánh Lỗ, chiếm đất Tối.

2.                           Đất Phụ thử[71] của Trịnh làm phản, lại theo Hàn[72].

~o0o~


Châu An Vương năm thứ 9 (Mậu Tí, 393 TCN)

1.                           Ngụy đánh Trịnh.

2.                           Tấn Liệt Công mất, con là Hiếu Công Khuynh kế vị.


[1] Châu: xem phụ lục “Châu”.
[2] Họ tên Cơ Ngọ, con Châu Khảo Vương.
[3] Xem phụ lục “Tấn”.
[4] Xem phụ lục “Triệu”, “Hàn”, “Ngụy”.
[5] Kiệt là vua cuối cùng của nhà Hạ, Trụ là vua cuối cùng của nhà Châu. Theo nhân sinh quan Nho giáo, Kiệt và Trụ là biểu tượng loại vua hung bạo làm mất thiên hạ.
[6] Thành là Thành Thang, người diệt vua Kiệt để sáng lập nhà Thương, Võ là Võ Vương, người diệt Trụ Vương để thành lập nhà Châu.
[7] Vi Tử là anh khác mẹ của Trụ Vương, vì mẹ của Trụ Vương là vợ chính, nên Trụ Vương được kế vị. Sau này Vi Tử được giao cai trị một phần đất cũ của nhà Thương, chính là nước Tống. Thành Thang là người sáng lập nhà Thương.
[8] Quý Trát: con thứ 4 của Ngô Vương Thọ Mộng, sau Chư Phàn, Dư Tế, Dư Mạt. Thọ Mộng thương Quý Quát hiền, quyết truyền ngôi, nhưng Quý Trát không nhận. Thọ Mộng chết, Chư Phàn kế vị, đến khi chết truyền cho Dư Tế, để lần hồi đến lượt Quý Trát. Nhưng rốt cuộc sau khi Dư Mạt chết, Quý Trát vẫn không chịu kế vị mà trốn đi, gây nội chiến trong gia đình khi Công tử Quang, con Chư Phàn, và Liêu, con Dư Mạt, tranh ngôi. Thái Bá tương truyền là con trưởng của Châu Văn Vương, bỏ trốn để Võ Vương được kế vị, là người thành lập nước Ngô.
[9] Tả truyện: Đại phu Tôn Hoàn Tử của Vệ bị Tề đánh bại, được Trọng thúc Vu Hề cứu sống. Vua Vệ muốn cắt đất phong thưởng, Trọng thúc Vu Hề không nhận, chỉ xin được dùng ‘khúc huyền’ và ‘phồn anh’. Vua Vệ muốn cho, nhưng Khổng Tử phản đối, nói: “Không bằng cho thêm thực ấp, danh tiếng và biểu vật chính quyền không thể đem cho người khác.” Khúc huyền: thể loại âm nhạc dành vua chư hầu. Phồn anh: vật trang sức cho ngựa, biểu tượng của vua chư hầu.
[10] Luận ngữ, thiên Tử Lộ. Lời Khổng Tử đáp học trò là Tử Lộ, nguyên văn: “danh bất chính tắc ngôn bất thuận; ngôn bất thuận tắc sự bất thành; sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng; lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trung; hình phạt bất trung tắc dân vô sở thố thủ túc”. Tư-mã Quang tóm tắt ý chính.
[11] Châu Lệ Vương và Châu U Vương, hai vua yếu kém đánh dấu màn kết của nhà Tây Châu.
[12] Sử ký, Châu bản kỷ: Vương tử Đái (Thái thúc Đái) đoạt ngôi Châu Tương Vương. Tương Vương phải chạy đến đất Phiếm. Tấn Văn Công dẫn quân đón Tương Vương và giết Vương tử Đái. 
[13] Nguyên văn: ‘thỉnh Toại’. Theo Đỗ Dự, ‘Toại’ là an táng bằng cách khoét đất tạo đường hầm để đưa quan tài xuống huyệt, dành riêng cho bực vương giả. Còn chư hầu thì phải thòng dây hạ huyệt.
[14] Tào, Đằng, Trâu, Cử đều là những nước nhỏ thời Xuân Thu.
[15] Sử ký, Lỗ Châu Công thế gia: Quý là một chi của công tộc nước Lỗ, là con cháu Lỗ Hoàn Công. Họ này đời đời làm Đại phu ấp Phí, mấy đời nắm quyền bính khuynh loát nước Lỗ. Quý Bình Tử đuổi Lỗ Chiêu Công, Quý Khang Tử đuổi Lỗ Ai Công, nhưng chung cuộc họ Quý không cướp ngôi nước Lỗ.
[16] Sử ký, Điền Kính Trọng Hoàn thế gia: Trần Hoàn là công tử nước Trần trốn loạn sang Tề, sau đó đổi sang họ Điền, con cháu nối đời làm Đại phu nước Tề. Đến đời Điền Thành Tử thì thâu tóm quyền bính nước Tề. (Điền Thành Tử, tức Điền Thường, vốn tên Hằng, Tư-mã Thiên vì kỵ húy Hán Văn Đế nên chép Hằng thành Thường. Các sử gia đời sau nhiều người lập lại như thế. Ở đây giữ là Thường để khỏi gây xáo trộn).
[17] Sử ký, Sở thế gia: Bạch Công Thắng là con trai của Thái tử Kiến, con Sở Bình Vương. Sở Bình Vương cưới con gái nước Tần cho Thái tử Kiến, nhưng giữ cho riêng mình. Tin lời Phí Vô Kỵ gièm pha rằng Thái tử Kiến và Ngũ Xa sẽ làm loạn, Bình Vương giết Ngũ Xa. Còn Thái tử Kiến trốn ra nước ngoài, sau đó bị người Trịnh giết. Thắng theo Ngũ Tử Tư trốn sang Ngô. Sau khi Bình Vương chết, Lệnh doãn của Sở là Tử Tây mời Thắng về nước, phong làm Đại phu đất Bạch (Bạch Công). Bạch Công Thắng muốn đánh Trịnh báo thù cha, nhưng các đại thần nước Sở không đồng ý. Bạch Công Thắng thế rồi đánh úp kinh đô nước Sở, giết Lệnh doãn Tử Tây. Tử Kỳ và Thạch Khất khuyên Bạch Công Thắng giết Sở Huệ Vương,đoạt ngôi nhưng Thắng không nghe. Sở Huệ Vương nhờ đó trốn thoát.
[18] Sử ký, Tấn thế gia: Tấn Xuất Công bị bốn họ Trí, Triệu, Hàn, Ngụy đánh đuổi, chết trên đường bỏ chạy. Trí Bá mạnh nhất trong số bốn quan khanh nước Tấn, không dám cướp ngôi mà lập Ai Công.
[19] Sử ký, Tấn thế gia: Sau khi Triệu, Hàn, Ngụy giết Trí Bá, chia nhau đất đai họ Trí, lại chia nhau hết đất đai nước Tấn ngoại trừ Khúc ốc và Giáng. Tấn U Công phải đi chầu ba quan khanh của mình.
[20] Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công, hai trong số Ngũ Bá, thay mặt nhà Châu hiệu lệnh chư hầu.
[21] Xem Phụ lục “Trí”.
[22] Nguyên văn: “hiền” – giỏi,hay, tốt.
[23] Vi Chiêu: Trí Tuyên Tử, tên Thân, là con trai quan khanh nước Tấn Tuân Lịch. Trí Dao, tức Trí Bá, hay Trí Tương Tử, là con trai Tuyên Tử. Trí Quả là người đồng tộc. Trí Tiêu là em Trí Dao.
[24] Vi Chiêu: quan Thái sử nắm về dòng họ, quan Thiếu sử nắm việc xác định thế hệ, giải thích liên hệ tông tộc. Nhưng theo Giả Công Ngạn, Thiếu sử mới là người ấn định dòng họ, nhưng sổ sách do Thái sử nắm giữ.
[25] Triệu Giản Tử: tức Triệu Ưởng, cháu nội Văn Tử Triệu Võ.
[26]Nguyên văn: Giản 簡: loại sách đời xưa, làm từ thẻ tre nối với nhau bằng dây, có thể cuộn lại.
[27] Hai đoạn văn cho thấy sự tương phản giữa họ Trí và họ Triệu trong quan niệm “hiền năng” và phong cách chọn người kế vị.
[28] Hiện nay nằm trong phạm vi thành phố Thái nguyên, tỉnh Sơn tây.
[29] Không còn sổ hộ bạ thì không thể đòi nợ và thu thuế.
[30] Tên là Hàn Hổ.
[31] Tên là Ngụy Câu.
[32] Đoàn Quy là bề tôi của Hàn Khang Tử.
[33] Hán thư, Địa lý chí: Quận Tây hà có huyện Lận và huyện Cao lang. Nay thuộc tỉnh Sơn tây.
[34] Nay là huyện Trường tử, tỉnh Sơn tây. Vào đời Hán, Trường tử là trị sở quận Thượng đảng.
[35] Nay thuộc thành phố Hàm đan, tỉnh Hà bắc.
[36] Bản: đơn vị đo lường đời xưa. Mỗi bản = 2 thước Tàu. 
[37] Xe ba chỗ ngồi, người thứ 3 ngồi cạnh một bên gọi là Tham thừa.
[38] An ấp: thủ phủ của Ngụy. Vào đời Hán, thuộc huyện An ấp, quận Hà đông. Nay là thuộc huyện Hạ, tỉnh Sơn tây.
[39] Bình dương: thủ phủ của Hàn. Vào đời Hán là huyện Bình dương, quận Bình dương. Nay thuộc Lâm phần, tỉnh Sơn tây.
[40] Để khỏi làm lộ bản ý.
[41] Chiếu theo Sử ký, Lục quốc niên biểu: sự kiện này xảy ra đời Châu Định Vương, năm thứ 16, tức 453 TCN.
[42] Hiền: tốt, hay, giỏi.
[43] Vân mộng là vùng đầm lớn đời xưa, đến nay không còn. Vị trí địa lý nằm ở phía bắc hồ Động đình, chếch một tí về phía tây. Đỗ Dự chú thích Tả truyện, nói đầm Vân mộng vào đời Sở trải suốt phía bắc và phía nam sông Trường giang. Theo Hán thư, Địa lý chí: đầm Vân mộng nằm ở phía nam huyện Hoa dung, Nam quận. Theo Chúc Mục: Căn cứ theo Tả truyện, chép ‘Phu nhân vứt Tử Văn nơi đầm Mộng’, nhắc đến Mộng chứ không nhắc đến Vân; lại chép ‘Con cái nước Sở tránh Ngô rút vào đầm Vân’, nhắc đến Vân chứ không nhắc đến Mộng; như vậy Vân và Mộng là hai đầm khác nhau. Theo Hán dương chí: Vân nằm ở phía bắc Trường giang, Mộng nằm ở phía nam Trường giang. Như vậy, đầm Vân mộng là tên gọi chung của 2 đầm lớn, nằm kế nhau, một cái phía bắc, một cái phía nam Trường giang.
[44] Nay thuộc tỉnh Hà nam.
[45] Ngày nay, chủy thủ là một tên của dao găm. Vào đời xưa, theo Diêm thiết luận: chủy thủ là đoản kiếm, dài 1 thước 8 tấc Tàu, phần đầu phình ra tương tự cái muỗng.
[46] Từ thời Xuân thu, người đứng đầu công tộc họ Triệu còn được gọi là Triệu Mạnh. Mạnh nghĩa thông thường là con trưởng. Đây là tên gọi không chính thức, nôm na tựa lối gọi “Ông Cả Triệu”.
[47] Đời xưa có nước Đại, nằm ở phía bắc Cú chú, bị Triệu Tương Tử diệt. Đến đời Hán là huyện Đại, nước Đại hoặc quận Đại. Nay thuộc địa huyện Úy, tỉnh Hà bắc.
[48] Bặc, còn phiên âm là Bốc, vốn chức quan xem bói, có người lấy làm họ.
[49] Nguyên văn: lễ Thức. Theo Nhan Sư Cổ, đi xe phải đứng thẳng, nếu vịn dàm xe, thì phải khom lưng, là để tỏ ra cung kính người khác.
[50]Nguyên văn: Ngu nhân 虞人. Theo Châu lễ, có chức quan Sơn ngu, Trạch ngu, nắm việc quản lý núi và đầm.
[51] Nước Trung sơn, vào thời Xuân thu là nước Tiên ngu. Đến đời Hán, đất này lập thành quận Trung sơn. Nay thuộc địa phận thành phố Bảo định.
[52] Tuy cùng loại chuông, nhưng nếu núm treo cái cao cái thấp, tiếng sẽ khác nhau.
[53] Tức Ngụy Thành, người trong công tộc nước Ngụy.
[54] Phần đất phía tây sông Hoàng hà tại giao điểm Hoàng hà và sông Vị.
[55] Tây-môn Báo được chỉ định cai trị huyện Nghiệp. Vùng này có sông Chương hay gây lụt lội, ông cho đào cừ vừa để khơi nước tưới ruộng, vừa để trừ lụt. Song dân chúng địa phương mê tín cho làm thế là va chạm đến thần sông, nên chống đối. Vì thế, công trình của Tây-môn Báo không được thực hiện đến cùng. Ở Việt nam có truyền thuyết Tây-môn Báo gả vợ cho Hà bá khá phổ biến.
[56] Tức Tăng Tử, tự Tử Dư, người nước Lỗ, nổi tiếng chí hiếu; là học trò Khổng Tử, và cũng là thầy của Tử Tư (Khổng Cấp).
[57] Vốn tên là Điền Nhương Tư, con cháu của Trần Hoàn. Điền Nhương Tư là tướng giỏi của Tề Cảnh Công, do Yến Anh tiến cử, từng cầm quân đẩy lui quân Tấn và Yên. Có quân công được phong làm Đại Tư mã nên con cháu lấy Tư-mã làm họ. Về sau bị gièm pha nên thất sủng, về nhà soạn sách binh thư, nổi tiếng thiên hạ.
[58] Xem Phụ lục “Yên”.
[59] Xem Phụ lục “Sở”.
[60] Xem Phụ lục “Tần”.
[61] Dương cô: Theo Sử ký, tên nơi này là Dương hồ, thuộc vùng đất nay là huyện Giáng, tỉnh Sơn tây. Vào đời Hán là huyện Giáng, quận Hà đông.
[62] Tang khâu: Sử ký chép là Thừa khâu, theo Địa lý chí, thuộc huyện Hà khâu, Duyện châu, nay nằm gần thị trấn Duyện châu, tỉnh Sơn đông.
[63] Xem Phụ lục “Trịnh”.
[64] Vào đời Hán, là huyện Dương địch, quận Dĩnh xuyên. Nay là thị trấn Vũ châu, tỉnh Hà nam.
[65] Thuộc phạm vi huyện Thiểm, quận Hoằng nông đời Hán, vào đời Châu là nước Quắc, nay là huyện Thiểm, tỉnh Hà nam. Theo Thủy kinh chú, Thạch Hổ cho chuyên chở tượng đồng Ông Trọng từ Trường an đến nơi này thì bị đắm do nước chảy quá xiết.
[66] Vào đời Hán là huyện Bộc dương, Đông quận, nay là Bộc dương, Hà nam.
[67] Trọng Tử không phải là tên riêng. Trọng là lối gọi người con trai thứ hai, Tử chứng tỏ người này có tước vị (có thể là Đại phu) hoặc địa vị cao trong xã hội. Nghiêm Trọng Tử có thể hiểu là “Đại phu ấp Nghiêm, vốn là con thứ hai trong gia đình”.
[68]1 dật = 4 lượng. Ngày xưa một vốc vàng cũng gọi là 1 dật.
[69] Xem Phụ lục “Tống”.
[70] Theo Trúc Thư Kỷ Niên, Tống Điệu Công trị vì 18 năm, thay vì chỉ 8 năm như trong Sử Ký. Như thế, phải đến năm 383 TCN sự kiện này mới xảy ra, và những sự kiện liên quan đến việc kế vị ở nước Tống phải dời lại 10 năm.
[71] Vào đời Hán, thuộc huyện Dương thành, quận Dĩnh xuyên, nay thuộc tỉnh Hà nam.
[72] Theo Sử ký, Trịnh Nhu Công năm thứ 16, Trịnh đánh bại Hàn ở Phụ thử và chiếm lấy, đến đây Phụ thử phản Trịnh trở lại với Hàn.

8 comments:

  1. caoluc.blogspot.com cho mình xin bản đầy đủ cuốn Tư trị thông giám được chứ ? Gmail mình : hoanganh1201@gmail.com. Xin cảm ơn !

    ReplyDelete
  2. Caolucj.blogspot.com có thể cho mình xin bản đầy đủ của Tư trị thông giám được không? Bản word là tốt nhất. Gmail của mình: voxphuong@gmail.com. Cảm ơn nhiều!

    ReplyDelete
  3. cho mình xin bản full tư trị thông giám được ko? email; tackebong129@gmail.com

    ReplyDelete
  4. Cho minh xin ban full duoc khong. email: tindh.484@gmail.com

    ReplyDelete
  5. Add cho mình xin bản mềm full của "Tư trị thông giám" được không?
    Nếu được email của mìn: ladinhvinh@gmail.com

    ReplyDelete
  6. Add cho mình xin bản mềm full của "Tư trị thông giám" được không?
    Nếu được email của mìn: ladinhvinh@gmail.com

    ReplyDelete
  7. Cho mình xin bản full được không?
    email:leminhhieu009900@gmail.com
    cám ơn bạn nhiều lắm

    ReplyDelete
  8. cho mình xin bản full được không?
    maill : tung34nt@gmail.com
    xin cẢM ơn bạn

    ReplyDelete